Quá trình hình thành và phát triển của Bộ môn máy xây dựng - xếp dỡ gắn liền với lịch sử phát triển của trường Đại học Giao thông Vận tải. Bộ môn là một trong số ít các bộ môn được hình thành ngay từ những năm đầu thành lập Trường.
Trải qua 57 năm với bao thăng trầm của lịch sử, bằng sự cố gắng, nỗ lực của các thế hệ thầy cô giáo, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên, Bộ môn Máy xây dựng - Xếp dỡ, trường Đại học GTVT đã khẳng định được uy tín và chất lượng đào tạo của mình, thực sự trở thành một trung tâm đào tạo, NCKH, CGCN hàng đầu của đất nước trong lĩnh vực máy xây dựng.
Tập thể giảng viên bộ môn năm 2012.
Năm 1961, lớp cán bộ đầu tiên về chuyên ngành Máy xây dựng – Xếp dỡ đã được đào tạo với số lượng sinh viên là 37 người, chủ yếu là cán bộ đi học để nâng cao trình độ. Sau đó từ năm 1962 trở đi, Bộ môn liên tục đào tạo kỹ sư chuyên ngành MXD-XD với số lượng bình quân mỗi năm khoảng từ 30 - 40 người. Tuy có vài năm không đào tạo nhưng từ năm 1994 đến nay, số lượng sinh viên chính quy hàng năm đều tăng. Đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, ngoài chuyên ngành MXD-XD, Bộ môn còn mở rộng đào tạo các chuyên ngành khác như: Cơ khí giao thông công chính; Cơ giới hóa xây dựng cầu đường và đã được phép đào tạo chuyên ngành Thiết bị mặt đất cảng hàng không. Bộ môn cũng đã tổ chức đào tạo hệ tại chức và hệ liên thông chuyên ngành Máy xây dựng – Xếp dỡ và đào tạo hệ sau đại học như đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ. Các kỹ sư do Bộ môn đào tạo ra có tỉ lệ tìm được việc làm cao (đến 90%) ngay sau năm đầu ra trường.
Từ lúc đầu thành lập chỉ có 03 giảng viên (thuộc liên bộ môn cơ khí) là thầy Vũ Thế Lộc, thầy Nguyễn Đình Bỉnh và thầy Đỗ Đình Tiêm. Sau đó đội ngũ của Bộ môn được bổ sung dần về số lượng và đạt trình độ cao về chuyên môn. Đến nay, Bộ môn có 20 giảng viên, trong đó có: 04 Phó giáo sư, 01 Nhà giáo nhân dân, 03 Nhà giáo ưu tú, 12 tiến sĩ, 08 thạc sĩ trong đó có 04 NCS tại nước ngoài và 03 NCS tại Bộ môn . Với đội ngũ giảng viên như vậy, Bộ môn đã đào tạo được hàng nghìn kỹ sư chuyên ngành Máy xây dựng – Xếp dỡ. Số kỹ sư này sau khi ra trường đều đáp ứng được ngay yêu cầu công việc thực tế của sản xuất và rất trưởng thành.
Tính đến năm 2018, bộ môn đã đào tạo được 14 Tiến sỹ, đang đào tạo 04 NCS, hơn 100 Thạc sỹ, gần 5000 Kỹ sư. Hàng chục đầu giáo trình chuyên môn đã được xuất bản, trên 25 đề tài NCKH cấp Nhà nước và cấp Bộ, hơn 200 bài báo khoa học đã được công bố trên các tạp chí khoa học ở trong và ngoài nước. Ngoài thành tích về đào tạo, các nhà giáo của bộ môn còn đóng góp xuất sắc vào công tác NCKH – CGCN. Hàng trăm công trình, đề tài, dự án, sản phẩm KHCN đã được chuyển giao cho sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Tiêu biểu là hai công trình của các nhà khoa học thuộc bộ môn đã được Nhà nước trao tặng giải nhất giải thưởng “Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam” VIFOTEC hai năm liền. Năm 1996 là công trình : Máy ép cọc bấc thấm và năm 1997 là công trình : Trạm trộn Bê tông nhựa nóng. Một số sản phẩm KHCN mới đã và đang được áp dụng từng bước vào thực tế sản xuất như: Trạm trộn cấp phối, xe lu, máy làm đường, máy đóng cọc hộ lan, cầu trục, thang máy, cổng trục lắp đặt dầm cầu, búa rung thủy lực, bộ công tác máy khoan cọc nhồi lắp trên cần trục bánh xích, máy khoan đá kiểu tuần hoàn ngược RCD…Riêng công trình máy đặt ray đường sắt đã được tham gia triển lãm thành tựu kinh tế xã hội Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long tại triển lãm Giảng Võ và đã được áp dụng thử nghiệm thành công trên tuyến đường sắt Hạ Long - Cái Lân năm 2011.
Hàng năm có từ 15 đến 20 sinh viên được nhận học bổng từ các quỹ: Đăng kiểm, Toyota, Dầu khí và học bổng cựu sinh viên ngành Máy xây dựng... Bộ môn thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: hội ngành, giao lưu ngành nghề, văn nghệ, bóng đá góp phần nâng cao sự phát triển toàn diện cho sinh viên. Hằng năm, số sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học ngày càng tăng với số lượng từ 12 đề tài trở lên, các đều tài đều có ý nghĩa khoa học và gắn liền với thực tế sản xuất.
Sinh viên của Ngành sau khi tốt nghiệp ra trường đã vận dụng có hiệu quả các kiến thức được trang bị trong quá trình học tập vào thực tế, trở thành những cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, có những đóng góp xuất sắc trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trước đây cũng như thời kỳ đổi mới hiện nay. Nhiều sinh viên đã tự xây dựng được các doanh nghiệp có thương hiệu trên thị trường. Nhiều người đã trở thành các nhà khoa học xuất sắc được Nhà nước phong tặng chức danh Giáo sư, Phó giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Tiến sỹ khoa học, Tiến sỹ. Nhiều người trở thành các nhà quản lý giỏi, được Đảng, Nhà nước giao những trọng trách lớn ở các Bộ, Ngành, các địa phương, các doanh nghiệp như : Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch tỉnh, Bí thư tỉnh ủy, Tổng giám đốc…
Với bề dày truyền thống và thành tích đạt được, Bộ môn Máy xây dựng - Xếp dỡ và nhiều thầy cô giáo của Bộ môn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng huân chương lao động hạng Ba và nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học công nghệ và môi trường, Trường đại học Giao thông Vận tải.
Để xây dựng và phát triển Bộ môn bền vững, Nhằm đáp ứng được yêu cầu không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, NCKH và chuyển giao công nghệ, Bộ môn MXD-XD đề ra chương trình mục tiêu từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 như sau:
1. Tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp với đào tạo theo hệ thống tín chỉ .
2. Phấn đấu đến năm 2020 đạt 100% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó 80% là tiến sĩ.
3. Nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, đẩy mạnh công tác NCKH, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. Bộ môn phấn đấu trở thành một tập thể nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực máy xây dựng ở tầm quốc gia và khu vực. Trong đó chú trọng đến các công bố quốc tế.
Trong giai đoạn phát triển mới có nhiều thời cơ và thách thức, Bộ môn với đội ngũ chất lượng cao với hầu hết giảng viên có trình độ tiến sỹ trở lên sẽ phấn đấu thực sự trở thành một tập thể khoa học mạnh của Khoa cơ khí và Nhà trường, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.